About the author

Related Articles

One Comment

  1. 1

    Song Nhị

    Nhân Đọc Một Cụm Email

    MỘT
    Sáng nay tôi nhận một email của nhà văn Trần Kiêm Đoàn gửi cho tôi có ý thông báo và ngầm nhắn tôi đọc ý kiến của mấy vị xưng là Phật tử thông thái và cao trọng hơn tất cả các tầng lớp Phật Tử khác. Nếu ai đó nói ra sự thật mà không vừa ý họ thì người đó không phải là Phật tử, tệ hơn nữa là những “đầu óc suy đồi và nông cạn”, là loại “văn dốt vũ nhát”, là “lừa thầy phản đạo, không có lương tri v.v..”.

    Trong cụm email tôi nhận được, tôi đọc kỹ và cũng “tâm đắc” với giọng văn của tất cả các vị. Những cụm từ văn vẻ hằn học trong ngoặc kép trên đây tôi trích từ thư “meo” của một người ký tên là Nguyên Minh, “tự nhận” sinh năm 1941, HO sang Mỹ năm 1990, từng là huynh trưởng gia đình Phật tử (không rõ ở miền Trung hay Saigon).

    Nếu tôi cũng viết “ông Nguyên Minh tự nhận là huynh trưởng Phật tử trước khi nhập ngũ QL/VNCH, sang Mỹ theo diện HO… là láo khoét” thì ông Nguyên Minh nghĩ sao khi ông cho rằng tôi tự nhận là sinh viên Van Hạnh và chứng kiến vụ TQĐ tự thiêu là láo khoét? Nhưng tôi không bao giờ dựng đứng điều mình không hay biết, không nghe thấy, lật ngược sự thật để lên án người khác, vì tôi cũng như hầu hết lớp trẻ miền Nam trước 75 lớn lên được dạy dỗ trong một gia đình nề nếp và trong một nền giáo dục nhân bản lễ giáo.

    Tôi từng ghê tởm bọn bần cố nông dựng chuyện vu cáo để đấu tố địa chủ trong CCRĐ mà tôi từng chứng kiến và gia đình bố mẹ tôi là nạn nhân. Chắc ông Nguyên Minh lại cho là tôi “phét lác”, mời ông tìm đọc cuốn Nửa Thế Kỷ Việt Nam của tôi, Cội Nguồn XB, công ty amazon vừa tái bản lần thứ ba.

    Vụ HT. TQĐ tự thiêu tại góc đường Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng SAG, nơi cách chùa Xá Lợi khoảng 500 mét, cách nhà tôi chưa tới một cây số. Hình ảnh từng sự việc xẩy ra còn rõ mồn một trong tâm trí tôi cho tới khi HT Quảng Đức ngã người ra phía sau, tôi bỏ về. Người rưới xăng lên từ cổ xuống vai HT Quảng Đức là Dân biểu Nguyễn Công Hoan hình ảnh rành rành ra đó, cứ phối kiểm. Ông Nguyễn Công Hoan vài năm trước share phòng tại nhà một người tôi quen ở đường số 10 San Jose, khi tôi hay tin đến tìm gặp thì chủ nhà cho biết ông ấy đã dọn đi từ hơn một tháng trước. Tôi lấy làm tiếc không được “diện kiến” một nhân vật lịch sử.

    Ông Nguyên Minh có biết đại học Vạn Hạnh nắm ở đâu không? Ông có biết cơ sở cũng như các vị viện trưởng, khoa trưởng là ai không? Ông có biết lớp SV khóa học đầu tiên của VH là những ai? Học tại chùa nào trước khi trường sở xây cất và dọn về không? Ông Nguyên Minh có biết trong các buổi họp mặt cựu SV, các bạn SV Vạn Hạnh vẫn chào huynh trưởng, vì tôi học cách xa các bạn nhiều khóa khác.

    Ông Nguyên Minh không nói tên thật nên với tôi và độc giả thì cho đây là một thư nặc danh. Thay vì liên lạc nó chuyện với nhau tìm hiểu sự thật, thì lại viết bài “để dọn đường đập thẳng vào sào huyệt của Song Nhị”. Ôi, ghê quá, nhưng không sao, xin mời ông Nguyên Minh, người tự nhận là một huynh trưởng Phật Tử, một người con Phật cứ đem theo đám bộ hạ đến văn phòng Cội Nguồn và tòa soạn Nguồn tại San Jose là “sào huyệt” của chúng tôi mà đập.

    Thư “meo” thứ hai ghi rõ xuất xứ là Phe Bach/ Bach Văn Khỏe . Nội dung có tính trung dung và nhân hậu thể hiện một nhân cách trí thức, không lên án, không bênh vực, lời lẽ đằm thắm và “thẳng thắn, xây dựng” như chữ ông dùng trong thư.

    Xin cảm ơn nhà văn Trần Kiêm Đoàn, một bạn văn từ gần 20 năm qua mà tôi luôn qúy mến, đã cho tôi được đọc để có cơ hội bày tỏ đôi lời cùng quý vị.

    HAI.

    Biến Cố 1963 – Sự Thật Đã Thuộc Về Lịch Sử Chưa?

    Nhân đọc cụm email với lời lẽ hằn học với tác giả bài viết “Miền Nam – Đệ Nhất Và Đệ Nhị Cộng Hòa” đang là bản thảo cho tuyển tập Nhân Văn, phổ biến trên diễn đàn việt thức http://www.vietthuc.org, tôi muốn ôn lại một đôi điều mắt thấy tai nghe khi chính mình là “chứng nhân” từng chứng kiến những ngày xáo trộn đưa tới biến cố 1-11-1963 chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Những gì tôi viết ra đây chỉ là những vụn vặt lịch sử mắt thấy tai nghe. Nhưng tất cả là sự thật. Mà theo nhà văn Diên Nghị: “Viết lên sự thật và dám nói sự thật, không dễ dàng, đơn giản, nếu thiếu lý tưởng, ý chí và chẳng bao giờ dám vượt qua chính mình. Sự thật, tiếng gọi từ lương tri người cầm bút – Nếu anh không dám nói sự thật, thì sự thật vẫn đeo đuổi anh và đòi hỏi anh phải thực hiện. Nếu lịch sử hôm nay chưa nói hết sự thật, thì thế hệ tiếp theo sẽ nắm tay lịch sử và chỉ cho bằng được ngày mai…”.

    **

    Năm 1963 tôi dành hết thì giờ chuẩn bị cho năm sau vào đại học nên không đi chơi và cũng ít quan tâm đến những chuyện khác, ngoài việc học thi. Nhưng tình hình chính trị xã hội tại Saigon nói riêng và khắp miền Nam nói chung bấy giờ tác động rất mạnh vào tâm lý và suy nghĩ của quần chúng. Tôi không còn khép mình bên bàn học mà đã có những buổi trong tuần đến chùa nghe thuyết pháp, đi xem những cuộc biểu tình ngoài đường phố. Tôi nói đi xem, chứ chưa bao giờ tôi tham gia vào một cuộc biểu tình nào trong thời gian biến động đó.

    Tôi – hình như có vẻ đã mê những buổi thuyết pháp của Đại đức Thich Giác Đức. Phải nói thầy Thích Giác Đức là một diễn giả xuất sắc nhất thời đó. Số người đến nghe thầy “thuyết pháp” đứng ngồi đông nghẹt khuôn viên chùa Xá Lợi. Nhà tôi ở đường Nguyễn Thông, rất gần chùa này nên gia đình tôi, có mẹ tôi và ông anh kế tôi không một buổi sáng nào là không đến chùa dự các khóa lễ và nghe thuyết pháp. Riêng tôi mỗi tuần lễ đi tới đó ba bốn lần, mỗi lần vài tiếng đồng hồ là nhiều. Tôi đến để xem, để nghe và để cảm nhận những gì đằng sau đó. Cái “đằng sau” mà tôi thấy lúc ấy là có những người Mỹ ra vào từ hậu liêu nhà chùa. Họ đi ra đi vào công khai, không có người Việt nào đi kèm với họ. Nhưng họ làm gì nói gì với ai sau bức những tường ấy thì không ai biết.

    Mỗi lần đến chùa Xá Lợi xem, nghe xong, về nhà tôi viết tóm tắt lại những gì nghe, thấy vào một cuốn nhật ký kèm theo ít dòng cảm tưởng của mình.. Cảm tưởng của tôi lúc đó thường ghi lại những gì sau mỗi lần đến chùa nghe thấy, cùng mối băn khoăn của tâm trạng bất an về hiểm họa cộng sản và tương lai bất định của miền Nam.

    Phần nhiều thời gian tôi dành đến chùa là để nghe thầy Giác Đức thuyết pháp. Thầy Giác Đức sau 63 là giáo sư thỉnh giảng tại đại học Van Hạnh, nhưng tôi học bên phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn nên không gặp thầy. Sang Mỹ, tôi có người cháu dạy cùng trường trung học với thầy Giác Đức, nhờ đó có hạnh duyên quen biết và được liên lạc với thầy trong mấy năm giữa thập niên 90, thế kỷ trước. Tôi có điện thoại nói chuyện với thầy. Năm thầy sang San Jose dự đại hội Phật Giáo tại chùa An Lạc, thầy gọi tôi. Không hiểu sao lần đó tôi không đến thăm thầy. Tôi ân hận mãi.

    Có một chi tiết thú vị thầy nói với tôi là thầy chịu một phần trách nhiệm trong việc giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào huynh Ngô Đình Nhu. Thầy cho tôi biết (nguyên văn): “Hằng năm đến ngày mồng Hai tháng Mười Một tôi bảo nhà tôi soạn một mâm cơm cúng cụ Diệm và ông Nhu” (thầy đã xuất tự, và lập gia đình).

    Thầy Giác Đức bây giờ là một cư sĩ định cư ở miền Đông Hoa Kỳ. Thầy còn đó, một chứng nhân có thẩâm quyền nhất, có thể cho chúng ta nhiều ẩn khuất lịch sử về biến cố 1/11/1963.

    Song Nhị
    San Jose, 3 Feb. 2017

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC

KHƯỚC TỪ TRÁCH NHIỆM [DISCLAIMER]

Những tài liệu đăng trên DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC nhằm thực thi tự do ngôn luận cá nhân, đa diện, nên không phản ánh quan điểm hay lập trường của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC [Viet Thuc Foundation].  Mọi ý kiến và tài liệu đăng tại DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC chỉ có tính cách thông tin, tham luận nhằm giúp độc giả gần gũi với thời cuộc liên quan tới văn hoá, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v. hiện hành tại Hoa Kỳ và trên thế giới.

Quý độc giả cần tìm hiểu kỹ lưỡng về sự chính xác, mức độ cần và đủ của tài liệu trước khi ứng dụng. Do đó DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC khước từ trách nhiệm về nội dung và cách sử dụng những ý kiến, tài liệu và thông tin nhận được đăng trên bổn báo.  Tuy nhiên, việc tham khảo thông tin và những ý kiến cần thiết, trình bày theo tinh thần cởi mở, tương kính, hoà nhã, sẽ giúp quý độc giả thêm phương tiện so sánh kiến thức một cách xây dựng, quy mô, đa dạng. Đó là điều mong ước của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC.

© 2015 VIỆT THỨC . All rights reserved.