About the author

Related Articles

One Comment

  1. 1

    Quang Nguyen

    Chúng tôi xin nói thẳng rằng, bất kể công phu và thời gian mà BS Nguyễn Hy Vọng đã tốn cho bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt này nhiều đến đâu, thì đây cũng không phải là một công trình từ nguyên học chính danh. Và chỉ cần đoc một vài “lời vàng ngọc” của vị bác sĩ này thì ta đã có thể thấy rằng kiến thức ngữ học của ông rất hạn chế. Ông nói:
    “Cách đây hai năm, trong một cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, họ bảo tôi về dạy chữ Tầu cho học trò trung học ở bên ấy để hiểu thêm tiếng Việt! Tôi bảo họ: “Cũng được thôi, học được cái gì hay cái ấy, nhưng phải hiểu rằng, các anh học tiếng Tầu mười đời đi nữa thì chỉ biết tiếng Tầu thôi. Còn tiếng Việt thì khác vì giữa tiếng Việt và tiếng Tầu khác nhau như con quạ với con sáo. Họ không hiểu và muốn tôi đưa ra một vài thí dụ thì tôi bảo:
    “Có ngay, tôi chấp một ngàn triệu người Tầu và mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó là sau khi học tiếng Tầu đến bạc đầu có hiểu được “sạch sẽ” với sẽ là gì không, “xuề xòa” với xòa là gì không, “lôi thôi” với thôi là gì không? Nếu ai, nếu nhờ học thêm tiếng Tầu mà hiểu nghĩa được mấy ngàn tiếng Việt thì tôi sẽ xin đi đầu xuống đất ngay”.
    Họ thôi không đòi “hiểu” nữa, và cái đầu tôi vẫn còn nhìn lên trời.” (“Tiếng Việt là linh hồn của người Việt”).
    Chỉ cần một chút nhạy bén, ta cũng đã có thể thấy những lời “chém gió” trên đây của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là chuyện tếu táo. Không biết anh nhà báo hay người đối thoại nào lại dám trịch thượng mà mời một người chữ nghĩa đầy mình như bác sĩ Vọng “về dạy chữ Tầu cho học trò trung học ở bên ấy”. Nếu thực tâm muốn thỉnh giảng thì người ta phải mời ông về dạy ở bậc đại học chứ “bên ấy” đâu có thiếu người dạy chữ Tầu cho học trò trung học. Vả lại, ở “bên ấy” cũng chẳng có ai nói “nhờ học thêm tiếng Tầu mà hiểu nghĩa được mấy ngàn tiếng Việt” như BS Vọng đã khéo hoang tưởng. Cái khái niệm “tiếng” của “bên ấy” là “language” (như trong “English language”, “French language”) còn khái niệm “tiếng” của ông Vọng thì chỉ là “word” ( như: black, đen, noir, white, trắng, blanc, v.v.) cho nên “tiếng” của “bên ấy” chứa trong lòng nó vô số “tiếng” của Nguyễn Hy Vọng. Huống chi, ở bên ấy, đâu có ai điên khùng mà nghĩ rằng phải học tiếng Tàu để biết được “sẽ” trong “sạch sẽ” là gì; “xòa” trong “xuề xòa” là gì, “thôi” trong “lôi thôi” là gì. Ở “bên ấy”, người ta chỉ nghĩ rằng nếu biết được “tiếng Tàu” – thực ra là “chữ Hán” – thì sẽ hiểu được “yếu điểm” là “điểm quan trọng”, chứ không phải đồng nghĩa với “nhược điểm”; rằng “vấn nạn” là “hỏi vặn” chứ không phải “vấn đề khó giải quyết” (mà tiếng Hán là “nan đề”); rằng “lang bạt” thực chất chỉ là hai tiếng đầu tiên trong bốn tiếng “lang bạt kỳ hồ”, nghĩa là “con sói giẫm lên cái yếm da [ở cổ] của nó”, bây giờ đã bị hiểu trẹo đi; v.v. và v.v.. Ấy là con chưa nói đến chuyện lớn lao hơn: Xưa nước ta đã từng lấy chữ Hán làm quốc gia văn tự và dùng văn ngôn (của tiếng Hán) trong các văn kiện của nhà nước cũng như để ghi chép, sáng tác trong khoảng 1000 năm. Vì vậy cho nên nếu không biết chữ Hán thì làm sao đọc được Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo và bao nhiêu văn thơ khác của tiền nhân, trong đó có thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v.? Biết bao nhiêu câu đối ở đền, chùa nếu không biết chữ Hán thì làm sao đọc được? Đấy, người ta hiểu là hiểu như thế chứ đâu phải vì cả tin vào cái khối “chữ nghĩa quốc tế khổng lồ” của mình mà hiểu trật đường rầy như BS Vọng. Phi lý nhất và cực kỳ ngây ngô là chuyện BS Vọng cho rằng một ngàn triệu người Tầu sau khi học tiếng Tầu đến bạc đầu cũng không thể hiểu được “sẽ” trong “sạch sẽ”, “xoà” trong “xuề xòa”, “thôi” trong “lôi thôi” là gì. Chỉ trừ những đầu óc điên loạn chứ ở trên đời này có ai lại khuyên học sinh Pháp phải học cho giỏi tiếng Pháp để biết tiếng Đức, học sinh Đức phải học cho giỏi tiếng Đức để biết tiếng Anh, học sinh Anh phải học cho giỏi tiếng Anh để biết tiếng Nga, v. v.. Vì vậy mà lẽ ra BS Nguyễn Hy Vọng nên xin lỗi “một ngàn triệu người Tàu và mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó” chứ không nên thách họ “học tiếng Tầu đến bạc đầu” mần chi. Và ông cũng nên xin lỗi người Việt Nam ở “bên ấy” vì đã nhỡ thách họ “học tiếng Tàu đến mười đời”. Mà “mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó” và dân Việt Nam ở “bên đó” cũng chẳng cần ông phải đi đầu xuống đất làm gì. Ông cứ ngữa mặt lên trời mà hãnh diện với bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt dày cộm của ông.
    Vậy Từ điển nguồn gốc tiếng Việt là một bộ sách như thế nào? Xin thưa ngay rằng nó không phải là một công trình từ nguyên học chính danh. Ngay cái tên của nó cũng đã không ổn rồi. Bất cứ người Việt Nam nào, dù ở trong nước hay ở bên ấy, nếu hiểu đúng tinh thần của tiếng Việt thì phải biết rằng “nguồn gốc tiếng Việt” ở đây là “Vietnamese language origin” trong khi bộ từ điển của BS Vọng thì lại trình bày “nguồn gốc” (?) của từ hoặc hình vị tiếng Việt. Điều này có nghĩa là ông đã không phân biệt được “language origin” với “word origin”. Với “word origin” thì ta mới có thể có từ điển chứ với “language origin” thì ta chỉ có thể có những chuyên luận, những công trình biên khảo mà thôi, chẳng hạn như “Linguistic Research on the Origins of the Vietnamese Language” của Mark Alves (Journal of Vietnamese Studies, Vol. 1, No. 1-2 [February/August 2006], pp. 104-130).
    Ngay cái tên của nó mà tác giả đã dịch sang tiếng Anh thành “Vietnamese Cognatic Dictionary” và tiếng Pháp thành “Dictionnaire Cognatique Vietnamien”, chúng tôi cũng thấy chưa thông. Đành rằng tiếng Anh có dùng “cognate” còn tiếng Pháp thì dùng “cognat” để gọi “từ hoặc hình vị đồng nguyên” nhưng tính từ phái sinh “cognatic” và “cognatique” thì lại là chuyện khác. Người ta chỉ dùng “cognatic” và “cognatique” để nói về huyết thống, về quan hệ thân tộc chứ không dùng hai từ này làm thuật ngữ ngữ học. Thực ra, “cognatic/cognatique” vốn có nghĩa là liên quan đến họ ngoại, được dùng trong thế đối lập với “agnatic/agnatique”, là liên quan đến họ nội. Từ điển Littré 1876 cho biết “cognatique” là một thuật ngữ luật học xưa còn Le Grand Larousse Illustré, édition Prestige 2015, cũng không hề ghi nhận từ này có liên quan gì đến ngữ học. Vì vậy mà, thay vì “cognatic dictionary” và “dictionnaire cognatique”, người ta chỉ dùng “etymological dictionary” và “dictionnaire étymologique”, nghĩa là từ điển từ nguyên, như vẫn thường thấy. Vấn đề là phải dùng cho đúng thuật ngữ của lĩnh vực mình biên soạn, chứ không phải là lật từ điển ra để tìm cái từ mà mình áng chừng là thích hợp để dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Thế nhưng BS Vọng lại còn giới thiệu sách của mình là “cognatic reference dictionary”. Không biết các nhà ngữ học Ăng Lê và Huê Kỳ nghĩ sao về cái ngữ đoạn này?
    Bộ sách của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là một bộ từ điển về các từ đồng nghĩa, tức “synonym dictionary/dictionary of synonyms” (tiếng Anh) và “dictionnaire des synonymes” (tiếng Pháp) không hơn không kém. Mà chúng có là những từ đồng nghĩa đích thực hay không thì cũng còn cần đến một sự thẩm định rất công phu (nếu nó thực sự xứng đáng với sự thẩm định này). Carl Darling Buck có một pho từ điển chưa dày bằng bộ sách của ông Vọng; nó chỉ dày hơn 1500 trang (nhưng giá trị học thuật của nó thì chắc chắn là “dày” hơn rất nhiều) và có nhan đề là A Dictionary of Selected Synonyms in The Principal Indo-European Languages (The University of Chicago Press, Third Impression 1971). Buck đã tự giới hạn trong phạm vi các ngôn ngữ Ấn Âu, là những ngôn ngữ đã được nghiên cứu chắc chắn và rốt ráo về mặt từ nguyên cho nên độ tin cậy về mặt này rất cao. Ấy vậy mà Buck cũng chỉ gọi chung các từ (words) đem ra so sánh trong pho từ điển của mình là “synonyms”, chứ không gọi là “cognates” mặc dù cognates trăm phần trăm thì nhan nhản ở trong sách. Và trong pho từ điển của mình thì, sau từng bảng so sánh những từ đồng nghĩa (trong hàng chục thứ tiếng Ấn Âu), Buck luôn luôn thực hiện việc biện luận tỉ mỉ về từ nguyên chứ không phải hoàn toàn không có biện luận như BS Vọng. Và vì nhầm lẫn về khái niệm “cognate” (từ đồng nguyên) nên BS Vọng đã viết:
    “Các tiếng nói Ðông nam Á [Khmer, Lào, Thái, Chàm, Malay, Indonesia, Nùng, Hmong Bahnar, Rhade, v.v.] bao bọc tiếng Việt trong một vòng dây thân ái của tình anh em ngôn ngữ chung giòng (sic) chung họ hàng mà chúng ta không ngờ đến đó thôi.” (“Cái tinh thần đặc biệt của tiếng Việt”).
    Thực ra thì ở đây, ta có đến 5 dòng họ: 1.- Tiếng Khmer và tiếng Bahnar thuộc dòng Môn-Khmer; 2.- Tiếng Lào và tiếng Thái [Lan] thuộc nhóm phía Tây của các ngôn ngữ Tày-Thái, chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Sanskrit; 3.- Tiếng Chàm, tiếng Malay, tiếng Indonesia và tiếng Rhade (Rhađê) thuộc họ Malayo-Polynesian; 4.- Tiếng Nùng thuộc nhóm phía Đông của các ngôn ngữ Tày-Thái chịu ảnh hưởng của tiếng Hán; 5.- Tiếng Hmong thì lại là một ngôn ngữ Miêu-Dao. Vì vậy nên, về mặt phổ hệ, ta không thể nói 10 ngôn ngữ trên là “chung dòng chung họ hàng” được. Vì không phân biệt được về mặt ngữ hệ nên hễ thấy có những từ đồng nghĩa và cận âm với từ của tiếng Việt thì BS Vọng đều cho là “cognates” tất tần tật. Thực ra, khái niệm “cognate” chỉ có hiệu lực trong phạm vi một dòng họ mà thôi; ra khỏi quỹ đạo đó thì chỉ có thể lả từ mượn (borrowing, emprunt) mà thôi. Longman Dictionary of Language Teaching & Applied Linguistics của Jack C. Richards, John Platt, Heidi Platt (Longman Group UK Limited, Third Edition 1993) đã định nghĩa “cognate” rạch ròi như sau:
    “A word in one language which is similar in form and meaning to a word in another language because both languages are related. For example English brother and German Bruder.
    “Sometimes words in two languages are similar in form and meaning but are borrowings and not cognate forms. For example, kampuni in the African language Swahili, is a borrowing from English company.”
    Dịch nghĩa:
    “ (Cognate) là từ của một ngôn ngữ, tương tự về hình thức và ý nghĩa với từ của một ngôn ngữ khác do cả hai đều có họ hàng với nhau. Thí dụ như brother của tiếng Anh và Bruder của tiếng Đức.
    “Có khi từ của hai ngôn ngữ [cũng] tương tự về hình thức và ý nghĩa nhưng lại là từ mượn chứ không phải là những hình thức đồng nguyên. Thí dụ như kampuni của tiếng Swahili châu Phi là từ mượn ở company của tiếng Anh.”
    Xin lấy một thí dụ thuộc loại đơn giản, để thấy trong quyển từ điển của mình thì BS Vọng cho rằng từ mượn là từ đồng nguyên:
    Việt : ách
    Thái : eek
    Lào : eék
    Nùng : ách
    Tàu : ách
    Ở đây, “ách” là âm Hán Việt của chữ [軛], có nghĩa là … ách; nói một cách khác, đây là một từ Việt gốc Hán chứ không có chuyện đồng nguyên. Chữ [軛], khi mà nguyên âm của nó hãy còn là [ε], chính là nguyên từ (etymon) của “eek” (Thái [Lan]) và “eék” (Lào); nói một cách khác, đây là từ Thái [Lan] và từ Lào gốc Hán; cũng không có chuyện đồng nguyên (với tiếng Hán). Chữ “ách”, mà BS Vọng ghi là tiếng Nùng thì chúng tôi cho là chuyện khả nghi. Từ điển Tày-Nùng – Việt của Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974) ghi âm của nó là “ec”, tức [εk]. Chắc chắn đây là cách ghi âm chính xác hơn cách của BS Vọng và đây cũng là một từ mượn, chứ không phải đồng nguyên với [軛] của tiếng Hán. Cuối cùng, cách ghi “Tàu : ách” của BS Vọng chỉ chứng tỏ rằng ông đã vi phạm nguyên tắc khi so sánh. Lý do: “ách” là âm Hán Việt của chữ [軛] còn âm “Tàu” của chữ này thì lại là “è”.
    Tóm lại, tính khoa học trong bộ từ điển của BS Nguyễn Hy Vọng thì thấp còn những lời “chém gió” của ông trong nhiều bài chắc chắn sẽ giúp cho những độc giả sáng suốt thư giãn một cách thoải mái.
    An Chi
    https://www.facebook.com/an.chi.10

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC

KHƯỚC TỪ TRÁCH NHIỆM [DISCLAIMER]

Những tài liệu đăng trên DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC nhằm thực thi tự do ngôn luận cá nhân, đa diện, nên không phản ánh quan điểm hay lập trường của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC [Viet Thuc Foundation].  Mọi ý kiến và tài liệu đăng tại DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC chỉ có tính cách thông tin, tham luận nhằm giúp độc giả gần gũi với thời cuộc liên quan tới văn hoá, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v. hiện hành tại Hoa Kỳ và trên thế giới.

Quý độc giả cần tìm hiểu kỹ lưỡng về sự chính xác, mức độ cần và đủ của tài liệu trước khi ứng dụng. Do đó DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC khước từ trách nhiệm về nội dung và cách sử dụng những ý kiến, tài liệu và thông tin nhận được đăng trên bổn báo.  Tuy nhiên, việc tham khảo thông tin và những ý kiến cần thiết, trình bày theo tinh thần cởi mở, tương kính, hoà nhã, sẽ giúp quý độc giả thêm phương tiện so sánh kiến thức một cách xây dựng, quy mô, đa dạng. Đó là điều mong ước của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC.

© 2015 VIỆT THỨC . All rights reserved.