Các cụ ạ, tô canh dưa chua cá trê đã đưa tôi về lại làng quê thân yêu ngày xưa. Nó gợi lại hình ảnh mẹ tôi giã gạo thổi cơm, bà tôi nấu canh kho cá, bố tôi cày ruộng ngoài đồng… Ôi thân thương làm sao.
Các cụ đã thấy làng tôi ăn ngon chưa, vừa ngon miệng vừa lành mạnh, đúng với trào lưu dinh dưỡng hiện nay. Dân làng ăn uống xì xụp và say đắm, không ai kịp nói chuyện, mãi đến cuối bữa Cụ Chánh mới lên tiếng. Cụ xin ông ODP tiếp chuyện văn hóa tháng trước, chẳng hạn chuyện sách ‘ Tâm Tư Tổng Thống Thiệu’ của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng. Ông ODP gật đầu ngay. Ông cho biết sách này bán chạy qúa sức. Bạn muốn mua ư ? Mời các bạn mở web www.tamtutongthongthieu.com là thấy liền cách mua. Sách này mua để đọc, để học, để làm tài liệu, cũng như làm quà cho bằng hữu và con cháu là hay hết ý.
Nào có gì vinh quang hơn hai giải này ! Người VN chúng ta ai cũng cảm thấy hãnh diện và được thơm lây vì con người thông thái, uy tín và đức độ Nguyễn Lương Tuyền. Ngày xưa ở VN, ông học Chu Văn An 1956-1963, rồi vào Y Khoa, rồi làm giáo sư Y Khoa. Sau 1975 ông làm giáo sư Đại Học Y Khoa McGill ở Montréal và làm bác sĩ cho bệnh viện nhi đồng Montréal Children’s Hospital.
Anh H.O. nghe đến đây thì nói lớn: Tôi biết ông BS Tuyền này. Ông học trên tôi mấy lớp ở Chu Văn An. Ông nổi tiếng trong ngành y khoa đã vậy, ông còn nổi tiếng trong cộng đồng VN Montréal. Ông đã từng làm chủ tịch cộng đồng, hiện nay ông là một trong những người điều hành nguyệt san uy tín ‘ Người Việt Montréal, Canada’. Rồi anh cười sung sướng, nét mặt đầy vẻ hãnh diện: Cái gốc Chu Văn An của chúng tôi vĩ đại và uy tín như vậy đó.
Cuối cùng, ông ODP thông báo một tin buồn của cộng đồng VN ở Canada: Cụ Trương Bảo Sơn, một nhà cách mạng lão thành, bạn thân của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, cũng là một nhà văn, nhà giáo và nhà báo, đã qua đời tại Montréal ngày 23 tháng Năm vừa qua, hưởng thọ 96 tuổi vàng. Tin buồn chưa ngưng tại đây. Cụ Sơn ra đi lúc 2 giờ sáng, thì 4 giờ chiều cùng ngày cụ Bà cũng đi theo cụ ông luôn. Cụ bà thọ 90 tuổi. Hai quan tài song song trong tang lễ đã gây xúc động cho mọi người. Trương Bảo Sơn là một tên tuổi lớn trong sử VN những thập niên 1940 và 1950.
Tin hai cụ Trương ra đi cùng một ngày đã gây xúc động cả làng. Để chấm dứt phần mặc niệm, Chi Ba bảo anh John: Anh ơi, Cụ B.95 đang nhắc anh đó. Nghe câu này thì cả làng hiểu ngay là chị muốn anh kể chuyện thời sự trong tháng.
Anh John vào đề ngay. Tin nóng nhất là Canada đang chuẩn bị tổ chức hai hội nghị quốc tế liền nhau: G8 ngày 25 & 26 tháng Sáu, G20 ngày 26 & 27 cũng tháng Sáu. Hội nghị G.8 sẽ họp ở tỉnh Huntsville phía bắc Toronto. Còn Hội nghị G20 sẽ được tổ chức ngay trung tâm thành phố Toronto. Xưa nay Canada là đất của các hội nghị quốc tế, nhưng chưa lần nào vấn đề an ninh được đặt ra kỹ lưỡng như lần này. Không phải vấn đề an ninh chống khủng bố mà là an ninh chống các cuộc biểu tình. Các nhóm biểu tình thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau như nhóm Môi Trường Xanh Green Peace, Nhóm Lao Động Labour Congress, Nhóm Ân Xá Quốc Tế Amnesty International. Các nhóm này đã công khai hô hào mọi người xuống đường với họ. Họ chống các quốc gia tham dự vì các chính phủ này không đại diện cho giai cấp bình dân và nghèo đói. Canada đã phải xử dụng trở lại lực lượng an ninh cũ của Thế Vận Hội Mùa Đông Vancouver vừa qua để bảo vệ hai hai hội nghị này. Có một điều đáng chú ý là Việt Nam cũng được mời tham dự hội nghị G.20 vì VN hiện nay là chủ tịch hiệp hội các nước ĐNA, cũng như Malawi chủ tịch hiệp hội các nước Phi Châu. Chưa biết các cuộc biểu tình này sẽ dữ dội đến mức nào, nhưng một điều chắc chắn đã thấy trước là sẽ có nhiều màn kẹt xe kinh khủng ở thành phố Toronto hơn 4 triệu dân này.
Tin thứ hai là việc Hoa Kỳ đang chuẩn bị xây cây cầu thứ hai ở Detroit để nối liền với Canada miền Windsor. Windsor phía tây Toronto, xa chừng 4 giờ lái xe. Hiện nay ở khu vực này đã có một cây cầu 80 tuổi, mang tên Ambassador Bridge. Theo thống kê, một phần tư số lượng hàng hóa Canada chở qua Mỹ đều qua cây cầu này. Mỗi ngày có khoảng 8.000 xe vận tải và 68.000 du khách qua lại. Nhiều như vậy là qúa tải với sức chịu đựng của cây cầu hiện nay. Kinh phí xây cây cầu mới gần 2 tỷ. Canada đã hứa sẽ cho Hoa Kỳ vay 500 triệu đồng cho việc xây cầu. Canada ngon lành vậy đó. Ông hàng xóm bác cầu chạy vào đất nhà mình, có lợi cho mình chứ, thế mà Canada không cộng tác chung tiền mà lại đóng vai cho vay. Chuyện nghe ngộ qúa ha. Cây cầu mới sẽ xây gần cây cầu cũ ở Windsor. Các cụ phương xa biết Windsor chứ ? Windsor là nơi có đài Chiến Sĩ Trẫn Vong ghi ơn các chiến sĩ Canada đã tham chiến tại Việt Nam trong quân đội Hoa Kỳ thập niên 1970 vừa qua.
Chuyện tiếp theo vừa được Bộ Di Trú cho biết: tổng số lực sĩ ngoại quốc trong kỳ Thế Vận Hội mùa đông Vancouver vừa qua xin tỵ nạn chính trị ở Canada là 22 ngưòi. Con số này gây ngạc nhiên cho Canada vì xưa nay Canada thường là nơi nhiều lực sĩ xin tỵ nạn nhất: Năm 1994 khi Canada tổ chức đại hội thể thao của khối Thịnh Vượng Chung nói tiếng Anh thì đã có 730 lực sĩ xin tỵ nạn. Năm 2001, Canada tổ chức đại hội thể thao cho khối các quốc gia nói tiếng Pháp đã có 120 tham dự viên xin tỵ nạn. Người ta tự hỏi phải chăng tình hình chính trị thế giới đã tốt đẹp hơn chăng ? Anh John đặt câu hỏi rồi tự trả lời: Có lẽ không phải thế, vì trung bình mỗi năm có chừng 25.000 người xin tỵ nạn chính trị ở Canada.
Canada cũng vừa tổ chức hội nghi về bắc cực. Từ khi khí hậu trái đất ấm hơn, thủy lộ miền bắc cực tỏ ra hấp dẫn cho ngành hàng hải, Nhiều con tàu quốc tế đã theo hải trình đông tây miền bắc này, vì giảm thiểu được vừa lộ trình vừa thời gian vừa nhiên liệu. Xưa nay Canada vẫn coi mình là chủ nhân miền bắc cực, nhưng nhiều nước không chịu. Đó là lý do Canada phải tổ chức hội nghị này. Đại diện Hoa Kỳ tham dự hội nghị là bà ngoại trưởng Hillary Clinton. Tham dự xong bà tuyên bố hai điều làm Canada không vui: Bà khuyên Canada nên ở lại A Phú Hãn sau năm 2011 chứ không nên rút quân theo Hoa Kỳ, và bà chê nền y tế Canada tiếng là tốt nhất thế giới nhưng có vết đen là không tài trợ việc phá thai. Nghe xong, Canada không hề vỗ tay, dù là vỗ tay kiểu ngoại giao.
Tin cuối cùng là tin về cạo râu. Tin này nghe có vẻ tiếu lâm. Đầu mùa xuân vừa qua, tại bệnh viện Westminster ở Vancouver, một cụ ông bệnh nhân theo đạo Sikh Ấn Độ bị nhân viên khi tắm rửa cho cụ đã vô tình cạo sạch bộ râu dài. Đối với nam nhân đạo Sikh thì khăn trên đầu và bộ râu xồm xoàm là điều quan trọng, hai thứ này liên hệ tới tôn giáo. Ít lâu sau thì cụ ông qua đời. Hội Đồng đạo Sikh đã lên tiếng phản đối việc cạo râu này vì cho là hành động xúc phạm tới văn hóa và tôn giáo. Ban giám đốc bệnh viện đã phải chính thức lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi, cùng hứa sẽ không để nhân viên tái phạm việc cạo râu.
Rồi anh John xin chấm dứt việc thuyết trình. Cụ Chánh liền mời gọi dân làng góp thêm tin tức. Chị Ba Biên Hoà liền giơ tay xin góp. Rằng mùa xuân đang bắt đầu. Tháng vừa qua là tháng hoa anh đào nở. Không phải chỉ ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ mới có hoa anh đào. Nhiều công viên ở Canada cũng có những vườn anh đào rất đẹp. Tháng Sáu này là tháng hoa tulip. Nơi tulip nở rộ, nhiều nhất và đẹp nhất là thủ đô Ottawa. Chị Ba đề nghị dân làng nên làm một chuyến đi thủ đô ngắm hoa tulip, sáng đi tối về. Hoa anh đào chỉ có màu trắng và phơn phớt hồng, và nở trên cành, còn hoa tulip thì rất nhiều màu và mọc cao trên mặt đất. Các cụ đã bao giờ đi ngắm hoa tulip chưa ? Đây là hoa lưu niên, mọc hết năm này qua năm khác, cứ hết tuyết là nó chồi lên ngay. Hoa tulip được coi là sứ giả của mùa xuân. Ngày xưa ở Việt Nam tôi có bao giờ được ngắm bông hoa này đâu. Sang đây, ở cái nước thiên đàng này, tôi mới được ngắm nó. Thấy trong sách vở, hoa tulip có rất nhiều màu sặc sỡ, tôi không tin. Một hôm tôi theo gia đình Chị Ba và anh John đi dạo công viên, anh chị chỉ cho tôi các mảng đất trồng tulip thì tôi mới tin. Chúa ơi, sao màu sắc hoa tulip đẹp đến thế này. Không phải chỉ sặc sỡ vàng xanh đỏ thôi, mà lắm bông hoa mang nhiều màu đẹp dịu dàng quyến rũ. Hoa tulip ở Canada có gốc từ Hoà Lan như hoa anh đào có gốc từ Nhật.
Cụ B.95 nghe chị Ba nói tên tulip hoài mà không hiểu gì cả bèn hỏi: cái hoa ‘líp’ gì đó ở Việt Nam có không và tên VN là gì. Nghe câu hỏi thì cả làng ngẩn ra. Hình như ở VN không có hoa này thì phải, mà nếu có thì hoa này không có ở khắp nơi. Chị Ba trả lời: Hồi ở VN, miền quê Biên Hòa, cháu chưa hề thấy hoa này, chắc ngoài Hà Nội của cụ cũng không có. Sang Canada này cháu mới thấy. Tên nó là tulip, tiếng Việt gọi là hoa Uất Kim Cương hay Uất Kim Hương. Nó là một trong ba loại hoa phổ biến nhiều nhất trên thế giới sau hoa hồng và hoa cúc. Tulip là đồng hồ báo tin mùa xuân. Gốc nó nghe đâu từ xứ Thổ Nhĩ Kỳ, rồi lan đi khắp thế giới. Hòa Lan là nước trồng nhiều tulip nhất.Theo các nhà sưu tầm thì tulip có rất nhiều loại, vì chỉ xét về tên không thôi thì tulip có tới 3.700 tên khác nhau. À, có điều này rất đặc biệt là hoa tulip đứng riêng một mình mới đẹp, chứ đứng chung thì không đẹp nữa. Đúng như vậy. Các cụ nghiệm mà coi. Cứ nhìn những cánh đồng cấy hoa tulip bên Hoà Lan thì thấy rõ. Việc này khác hẳn hoa anh đào. Anh đào xem từng bông thì thấy chả đẹp gì, thế mà hoa mọc chụm lại chi chít trên cây thì thấy anh đào đẹp lạ thường.
Nói đến đây rồi chị Ba Biên Hòa cười như nắc nẻ: trong sách mách rằng củ hoa tulip trông rất giống củ hành, hai củ này có họ với nhau, vì thế khi làm bếp, nếu bạn thiếu củ hành thì bạn có thể dùng củ tulip thế vào. Xem thì biết vậy chứ chưa bao giờ tôi thử.
Rồi Chị Ba xin làng bàn việc đi thăm hội hoa tulip ở Ottawa. Vì có mấy vị chưa hề đi thủ đô, Chị Ba thuyết phục dân làng: chúng ta nên đi cho biết, vừa xem hoa vừa xem thủ đô. Ottawa có nhiều danh lam thắng cảnh, như tòa nhà Quốc Hội liên bang, như Kinh Đào Rideau Canal. À, con sông đào này nổi tiếng lắm nha. Về mùa đông, nó là một đường trượt tuyết dài nhất thế giới. Về mùa hè, nó là một đường dành cho xe đạp dài nhất Bắc Mỹ. Về lịch sử, nó là sông chiến lược, là lộ trình vận chuyển khí giới ngày xưa. Chà, nghe hấp dẫn qúa chứ. Cứ đà này thì chắc làng tôi sẽ có chuyến đi Ottawa. Bao giờ đi về, tôi sẽ trình các cụ sau.
Chuyện hoa Tulip Uất Kim Hương đưa các cụ đi xa qúa rồi. Xin trở về phòng ăn của làng tôi để mừng lễ Hiền Phụ chứ. Nói xong chuyện hoa tulip thì dân làng quay vào ca ngợi tài nấu nướng của Cụ B.95. Ai cũng bảo nhờ cụ mà dân làng được sống cái văn hóa ẩm thực cổ truyền của cha ông. Không có cụ thì làm sao có được tô miến gà, cháo gà, cháo cá, canh dưa chua cá trê nguyên thủy. Cụ B.95 nghe dân làng tán tụng qúa thì như mắc cở, bèn khoa tay xin thôi, xin nói chuyện khác. Ông ODP liền vâng lời nói sang đề tài miếng ngon quốc tế. Ông khoe ông vừa đọc trên mạng internet một bài rất hay viết về những món ăn ngon trên đường phố hoàn cầu. Đây là ý kiến tổng hợp của các du khách, có vẻ như du khách‘tây ba lô’. Theo họ, các món ngon bán trên lề đường được xếp hạng như sau: Bánh mì thịt ở Saigon, Taco ở Mexico, Sandwich lòng bò ở Ý, Gỏi đu đủ xanh ở Thái Lan, Xúc xích Currywurst ở Đức, Bhel Puri ở Ấn Độ, Khoai tây chiên ở Bỉ, Arepas ở Colombia, Thịt gà nướng ở Jamaica. Trong 9 món ngon này thì món bánh mì Saigon được chấm là ngon nhất. Hội đồng giám khảo quốc tế đã phê điểm món bánh mì này như sau:
. .. Nơi ngon nhất là thành phố Saigon. Cứ đến 5 giờ chiều mỗi ngày, ở số 37 đường Nguyễn Trãi, Quận 1, cô bán hàng nhóm lò than trên cái xe bánh mì con con. Bạn hỏi mua, cô sẽ làm cho bạn một cái bánh mì kiểu Pháp đã được Việt-hóa. Gỡ miếng giấy bao bọc bên ngoài rồi cắn một cái, răng của bạn sẽ ngập sâu vào lớp vỏ bánh mì có pha chút bột gạo khiến bánh dòn tan, và bên trong là những miếng thịt heo nướng còn nóng, cùng với thanh dưa leo giòn rụm, vị ngọt của cà rốt và củ cải ngâm chua, có trét thêm một loại xốt kiểu VN, cộng với một chút tương ớt. Đây là món sandwich ngon nhất thế giới bạn được ăn. ( Concierge.com )
Đọc xong lời ban giám khảo, ông ODP luận tiếp: Các bạn chỉ nguyên nghe lời bình mà đã thấy món bánh mì thịt của ta ngon qúa đỗi rồi, phải không cơ. Đâu có cần phải vào nhà hàng ở khách sạn 5 sao mới có món ngon. Tôi có một ông bạn thân mới về du lịch Hà Nội. Ông cho biết: nơi ông được ăn tô miến gà ngon nhất thế giới là cái quán ven đường, thực ra không phải cái quán, mà là ven bờ đường nơi có một bà già đẩy một cái xe nhỏ xíu, bên trong có cái bếp than và một cái chạn đựng bát dĩa mắm muối và thức ăn. Ngon không thể tả được. Vấn đề là bạn có can đảm vừa đứng vừa thổi vừa gắp vừa húp không.
Hai cô Huế trong làng bèn lè lưỡi: Nghe Bác tả thì thấy tô miến ngon quá, nhưng bắt em vừa đứng vừa húp thì mắc cở quá, em không dám đâu.
Cả làng cười ha ha. Cô Cao Xuân bèn khoả lấp: xin cho em vào nhà hàng có ghế ngồi em mới chịu. Ông ODP bèn gật đầu rồi vừa cười vừa nói: Nếu cô muốn ngồi và ăn món bình dân ngon thì xin theo tôi vào quán mấy chú Ba bên đường nha. Nãy giờ chúng ta toàn nói các món VN truyền thống, bây giờ mời bà con ăn món Tàu nha, những món đã Việt Nam hóa nhưng vẫn còn giữ âm tiếng Tàu, chẳng hạn Dầu Cháo Quảy, Tả Pín Lù, Xíu Mại, Hủ Tíu, Lạp Xưởng nha.
Rồi ông ODP thao thao: Khi gọi món hủ tiếu thì ta thường kêu thêm món Dầu Cháo Quảy. Đây là cái bánh bột chiên nóng gồm 2 miếng dính chặt với nhau. Gốc nó lấy từ chuyện Tần Cối bên Tàu đời Nam Tống. Vì là gian thần nên bị xử tử bằng cách bỏ vào vạc dầu sôi. Cả hai vợ chồng bị trói chặt vào với nhau rồi mới bị ném vào vạc dầu. Ghê qúa. Dầu Cháo Quảy nghĩa là ‘qủy chiên dầu’.Thực khách đang nhẩm xà vợ chồng Tần Cối mà không biết đó thôi.
Hoặc ta ăn món rất phổ thông, ai cũng thích. Xin gọi món xôi lạp xưởng nha. Lạp Xưởng, chữ Tàu là Lạp Trường. Đó là món dồi thịt heo có trộn mỡ, với muối diêm và gia vị, đã phơi nắng hoặc sấy khô. Món này thái mỏng ăn với xôi nếp trắng, hoặc cắt nhỏ trộn vào cơm chiên. Đi ăn tiệc nhà hàng Tàu bao giờ cũng có món cơm chiên này. Chú Ba bảo món này làm đầy bao tử, không ai ra về mà bụng thấy đói cả.
Cụ Chánh nghe đến đây thì phát biểu: Sao bữa nay các ông hiền quá, toàn nói tới các món ăn, nào miến gà, nào bánh mì nhân thịt, nào cơm rang Dương Châu. Sao vậy ? Chúng tôi no qúa rồi đây.
Cả làng ồ lên cười. Anh John bèn lên tiếng: Bữa nay là lễ Hiền Phụ. Cụ chính là một biểu tượng hiền phụ, một người cha già đáng kính. Cháu thấy cụ lúc nào cũng vui cũng tươi, cũng thư thái. Trông cụ hạnh phúc quá. Nhân buổi lễ hôm nay xin cụ chỉ cho các kẻ hậu sinh này bí quyết hạnh phúc của cụ. Dân làng vỗ tay râm ran tán thưởng ý kiến của anh John. Ai cũng cho lời xin của anh John là đúng lúc, đúng người.
Cụ Chánh có vẻ cảm động về lời tán dương, bèn từ tốn đáp: Lão chẳng có bí quyết gì cả. Lão chỉ sống cái tâm bản thiện của mình. Gần đây lão đọc trên mạng internet thấy một bài nói về những điều tâm niệm của người già, lão thích bài này quá, lão đã học thuộc và cố thực hành hằng ngày. Bài như thế này:
– Hãy vui và chia sẻ niềm vui với người khác
– Không tích trữ của cải, sống ở Bắc Mỹ ta không cần phải để tài sản lại cho con cháu
– Hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay, không sống về qúa khứ hay về tương lai
– Chấp nhận sự già yếu và bệnh tật, coi hai việc này là lẽ đương nhiên
– Hãy vui với những gì bạn hiện có
– Đừng giữ trong lòng sự thù hận hay lo lắng
– Hãy sống đơn giản, cho đi nhiều, nhận vào ít.
– Hãy cười luôn miệng và mang tiếng cười đến cho mọi người
Rồi như chợt nhớ ra một điều quan trọng, cụ Chánh nói: Thần tượng của tôi bây giờ là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Lý do ư? Thưa, tôi bắt chước nhà thần học giải phóng nổi tiếng Leonardo Boff người Ba Tây. Ông đã phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma về đề tài tôn giáo. Bài trả lời của Ngài thật tuyệt vời. Nó đã làm thay đổi hẳn nhãn quan về tôn giáo của ông. Ông kể: Tôi hỏi ngài mà trong bụng cũng có gian ý gài bẫy:
– Theo Ngài, tôn giáo nào hiện nay là tôn giáo tốt nhất ?
Trong bụng tôi thầm nghĩ chắc ngài sẽ đáp Phật Giáo Tây Tạng, hay những tôn giáo Phương Đông lâu đời hơn Thiên Chúa Giáo là tôn giáo tốt nhất. Nhưng tôi đã lầm. Đức Đạt Lai Lạt Ma chắc biết cái ý của tôi nên đã mỉm cười rồi nhìn vào mắt tôi và từ tốn đáp:
– Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa ta tới gần Thượng Đế, và làm cho ta trở thành con người tốt hơn.
Để cho bớt lúng túng, tôi hỏi tiếp:
– Cái gì làm cho tôi trở nên tốt hơn?
Ngài đáp:
– Bất cứ cái gì làm cho bạn biết thương xót, bao dung, xả thân, yêu thương, nhân đạo, trách nhiệm, đạo đức, thì những cái đó thuộc về tôn giáo tốt nhất.
– Tôi không cần biết bạn có theo tôn giáo nào hay không, điều quan trọng là thái độ của bạn với tha nhân, với bằng hữu, với gia đình, với nơi làm việc, với công đồng, với thế giới.
– Hạnh phúc không phải là định mệnh, mà là vấn đề chọn lựa.
– Bạn hãy thận trọng về các tư tưởng, vì tư tưởng sẽ sinh ra lời nói,
– Bạn hãy thận trọng về lời nói vì lời nói dẫn đến việc làm
– Bạn hãy thận trọng về việc làm, vì việc làm dẫn đến thói quen
– Bạn hãy thận trọng về thói quen vì thói quen làm thành tính nết
– Bạn hãy thận trọng về tính nết vì tính nết đưa tới số mạng
– Mà số mạng chính là đời của bạn.
Và Đức Đạt Lai Lạt Ma kết luận: Đó là sự thực. Không có tôn giáo nào cao hơn Sự Thực.
Cụ Chánh kể đến đây xong rồi nhìn cả làng: Tôi chưa hề được nghe một bài giảng nào hay thấm thía như bài Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa giảng. Nó biến đổi nhà thần học giải phóng nổi danh ở Ba Tây, và cả tôi. Còn dân làng ta thì sao? Nghe bài giảng này xong, các bạn còn khinh dể tôn giáo của người hàng xóm không?
TRÀ LŨ