About the author

Related Articles

10 Comments

  1. 1

    ChânPhương

    Xin chào Tiến Sĩ Sử Gia Nguyễn Duy Chính,

    Trước hết cháu xin được vô cùng cảm ơn mạch bài sử liệu nghiên cứu rất công phu với sự cẩn trọng của Tiến Sĩ.

    Cháu đã đọc đi đọc lại bài này nhiều lần suốt tuần vừa qua dù thời gian hạn hẹp sau những giờ làm việc và sinh hoạt thường nhật còn lại thật ít ỏi. Cháu làm điều đó vì giai đoạn lịch sử của Tây Sơn nổi lên cùng thời kỳ cuối của Trịnh-Nguyễn phân tranh, cho đến khi Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà; tuy chính sử đã có viết, nhưng thường bị thiên lệch ít nhiều.

    Trước 1975, chính sử bị ảnh hưởng bởi triều Nguyễn Gia Long. Sau đó khi cs chiếm toàn miền Nam, tài liệu lịch sử sau này lại làm điều hoàn toàn ngược lại. Vì thế, tìm được tài liệu do các tác giả nghiên cứu có sử quan công bằng, thật là hiếm hoi trong giai đoạn đang được nói đến.

    Từ những bài nghiên cứu công phu này của Tiến Sĩ, bản thân cháu đã học được rất nhiều điều:

    Trước hết đó là thái độ công bằng, không hề uốn cong ngòi bút của mình, tinh thần chí công vô tư của người viết Sử.

    Cháu cũng học được thái độ thận trọng của người làm việc nghiên cứu của Tiến Sĩ trong các phương pháp đối chiếu, truy tầm, phân tích và lượng định tính khả tín của những tư liệu dẫn chứng… mà cháu có thể hình dung ra được khi đọc tác phẩm của Tiến Sĩ.

    Sự lưu loát và hiểu biết bao la về ngoại ngữ, trong đó khâm phục nhất là Hán văn, cũng như Quốc ngữ của Tiến Sĩ đã góp phần rất lớn cho sự thành công trong công trình của mình.

    Tuy nhiên cao hơn tất cả, cháu xin được cảm ơn thái độ trân trọng của Tiến Sĩ đối với độc giả của mình mà cháu là một trong những người đang có diễm phúc thụ hưởng. Điều này cháu cảm nhận được qua sự chăm chút và công sức của Tiến Sĩ bỏ vào để tạo thành tác phẩm quý báu rồi đem chia sẻ cùng độc giả. Vì trong một thời gian nó đã là sự cố gắng trong nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau để truyền đạt lại cho độc giả ngày nay và các thế hệ sau này!

    Nhân dịp được viết lời cảm ơn Tiến Sĩ, cháu mạo muội xin lĩnh hội lời chỉ giáo của Tiến Sĩ về đôi điều còn vương vấn trong lòng. Ở phần hai (II) trong bài đầu tiên này, có câu Tiến Sĩ đã viết như sau:

    “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình chung đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”

    Trong câu được đem về đó, Tiến Sĩ đã dùng chữ “vô hình chung” là một chữ được những người cầm bút thông thạo về Hán văn cũng như Quốc ngữ trước kia đã hay dùng với nghĩa tiếng Việt là “ngẫu nhiên” hoặc tiếng Anh, cháu đoán là “eventually”.

    Cháu cũng chưa bao giờ thấy trong các sách báo đứng đắn của Saigon và miền Nam trước tháng Tư 1975 viết sai chính tả trong chữ này, như hiện nay là “vô hình trung”. Hiện nay trên internet đang phổ biến cách viết sai đó một cách rất đáng ngại. Nó được giải thích bởi những “học giả” tại VN hiện nay không đọc và hiểu được Hán văn. Do đó họ đã giải thích phải viết là “trung” vì chữ “vô hình trung” có nghĩa là “bên trong của cái vô hình”(!)

    Trong hiểu biết thô thiển của mình, cháu nghĩ rằng những câu Hán Văn dưới đây có thể làm sáng tỏ được sự thật mà các “viện ngôn ngữ” tại Việt Nam đang đầu độc tiếng Quốc Ngữ yêu dấu của chúng ta:

    大道无形终有义
    烟尘无形终被风所散
    都无形终转嫁给买房子的热播

    Thưa Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính,

    Với tinh thần ham học và lòng thành tín của mình, cháu xin Tiến Sĩ chỉ giáo cho biết nghĩa của ba câu Hán văn trên là gì? Và, có phải chúng là lý do tại sao Tiến Sĩ đã viết “vô hình chung” hay không?

    Xin chân thành cảm ơn và chúc Tiến Sĩ cùng gia đình một cuối tuần an vui!

    Trân kính,
    Chân Phương.

  2. 2

    Nguyễn Duy Chính

    Chào em,

    Tôi thành thật cám ơn em đã góp ý nhận xét về bài viết. Đối với một người cầm bút, mục tiêu sau cùng của bộ môn sử học là đi tìm sự thật, dù sự thật đó không như chúng ta mong ước.
    Nỗ lực đó cũng là một cách để tỏ lòng biết ơn người đi trước, giống như đằng sau cây tràm, cây mắm là cây trái, ruộng đồng, chúng ta chỉ gặt hái những kết quả của tiền nhân – và làm cho tốt hơn những gì đã có sẵn [kể cả cải chính những sai lầm].

    Về câu hỏi của em thì tôi phải nói ngay là tôi đã viết sai chính tả, theo nghĩa mà tôi muốn dùng. Vô hình trong vô hình trung [無形中] tuy cùng nghĩa là không hình tích như trong nhóm chữ vô hình chung [无形终] (em đã dẫn trong mấy câu văn) nhưng nghĩa hai bên có khác nhau một chút.

    Vô hình TRUNG theo nghĩa gốc là “vô hình chi trung” của chữ Hán là kết quả của một việc gì đó mà mình vô tình không chủ đích. Có lẽ chính vì thế trước đây nhiều người đã hiểu [trong đó có tôi] chung là sau cùng về một kết quả không định trước.

    Để biết thêm rằng mình sai lầm tôi có tìm một vài cuốn từ điển tiếng Việt trong nhà thấy Đại Từ Điển Tiếng Việt [Nguyễn Như Ý chủ biên] (Hà Nội:VH-TT, 1999) tr. 1826:

    vô hình trung: Không cố ý, không chủ tâm, tự nhiên mà có với thí dụ: Như thế vô hình trung anh lại không ủng hộ nó.

    Tôi cũng tra Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị [tác giả Lê Ngọc Trụ (bản in trong nước trước 1975, Đại Nam tái bản hải ngoại không đề năm), tr. 117 cũng thấy viết vô hình trung trong mục chữ TRUNG [中]. Cụ Lê Ngọc Trụ là một học giả nổi tiếng nên chúng ta có thể theo mà không sợ nhầm lẫn.

    Về ba câu chữ Hoa em hỏi thì tôi hiểu như sau:

    Đạo lớn tuy không có hình thù gì nhưng sau cùng [rốt ráo] vẫn có nghĩa.
    Khói và bụi tuy vô hình nhưng sau cùng [rồi thì] cũng bị gió thổi tan.
    [Những thứ đó] cũng không khác gì hơi nóng ở trong phòng tuy không thấy nhưng vẫn lan ra khắp nơi [một cách tự nhiên] vậy.

    Ý nghĩa của chữ chung [终] trong ba câu này nói về một hậu quả tự nhiên, trong khi chữ trung [中] trong vô hình trung thì là một kết quả không định trước. Cho nên những chữ trong ba câu em dẫn không phải nghĩa tôi dùng.

    “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình TRUNG đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”

    Tôi sẽ nhờ moderator của Việt Thức sửa lại chữ này. Đây cũng là một điều nhắc nhở cho tôi rằng nhiều việc mình đã sai lầm trong vô thức mà không hề biết.

    Cám ơn em và chúc em cùng gia đình vạn an.

    Nguyễn Duy Chính

    TB: Nếu trong nước dùng vô hình TRUNG thì họ dùng đúng.

  3. 3

    ChânPhương

    Cháu xin chào Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính,

    Xin được cảm ơn Tiến Sĩ đã dành cho cháu câu trả lời với nhiều chi tiết rất giá trị để học hỏi.

    Cháu cũng vô cùng tâm đắc với điều chỉ giáo của Tiến Sĩ là, giữa hai chữ vô hình trung [無形中]và vô hình chung [无形终] có sự khác biệt về ý nghĩa cũng như cách dùng của chúng trong mỗi câu văn viết.

    Điều này cháu nói rất thật lòng vì nhớ lại đầu năm lên lớp Tám (1974) khi cháu được học cách thiết lập câu “điều kiện cách” (conditional statements) thì Bố đã so sánh mệnh đề này là điều kiện của mệnh đề còn lại bằng hình ảnh của một câu có dùng chữ vô hình chung [无形终], như cách mà người Trung Hoa đã dùng trong ba câu cháu đã đem về trong bài comment xin được Tiến Sĩ chỉ giáo thêm cho… Vì thế, khi người Trung Hoa và người Việt dùng chữ vô hình chung [无形终], thì điều kiện bắt buộc là trong câu phải có đủ hai mệnh đề độc lập mà chữ “vô hình chung” được nằm ở giữa để liên kết hai mệnh đề này với nhau. Tùy theo trường hợp cần dùng, chúng ta sẽ dịch nghĩa của vô hình chung [无形终] là “ngẫu nhiên”, “khiến cho”, “là nguyên nhân” “đưa đến hậu quả”…

    Các nghĩa này, cháu thấy rất gần gũi với cấu trúc văn phạm và ý của câu viết mà Tiến Sĩ đã dùng, “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình chung đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”

    Vì thế, cháu sẽ cảm thấy tiếc nuối vô cùng nếu Tiến Sĩ nghĩ rằng mình đã sai chính tả khi viết chữ vô hình chung [无形终] trong câu văn được quoted lại bên trên.

    Thuở đó Bố cũng dạy cháu rằng, chữ mà người Việt có thể bị nhầm lẫn với nó (vô hình chung [无形终]) là chữ vô hình trung [無形中] thì lại có nghĩa hoàn toàn khác. Vô hình trung [無形中] trong tiếng Việt là một trạng từ dùng để bổ nghĩa cho một động từ và nó có nghĩa là [hầu như, dường như – virtually].
    Người Trung Hoa dùng chữ vô hình trung [無形中] trong câu văn viết của họ như sau:

    她无形中成了我们的顾问 – Cô ta hầu như trở thành cố vấn của chúng tôi.
    (Cháu xin lỗi vì đã dùng dạng chữ giản thể trong Hán văn).

    Trong câu này, vô hình trung [無形中] có nghĩa hoàn toàn là “hầu như”. Vai trò của nó là một trạng từ bình thường. Nó cũng không cần phải đứng giữa hai mệnh đề độc lập như trường hợp của vô hình chung [无形终], mang một nghĩa hoàn toàn khác biệt thật là rõ rệt.

    Những điều này, Bố dạy khi cháu còn bé quá… Nay thì Bố đã đi xa mất rồi. Vì thế, nay nhờ được sự chỉ bảo và gợi ý tận tình của Tiến Sĩ cháu đã nhớ lại những mặt chữ đã lâu không dùng.

    Quả thật Cụ Lê Ngọc Trụ đã là học giả rất đáng kính của miền Nam và “Việt Nam Chánh Tả Tự Vị” của cụ cũng là tự điển đầu giường của bao nhiêu thế hệ trước đây và sau này. Cháu vẫn còn nhiều thắc mắc vương vấn trong đầu, vì Cụ cũng là người hiệu đính và đứng tên cùng với tác giả Lê Văn Đức khi ông này soạn cuốn Việt Nam Tự Điển, 1970 Saigon. Tuy nhiên, sau này lớn lên có dịp xem lại Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức cháu mới phát hiện ra rất nhiều thiếu sót cũng như lỗi chính tả mà chẳng hiểu vì sao. Trong số các cuốn tự điển có ấn bản trước năm 1975, thì cuốn này là một thất bại rất lớn so với những cuốn khác được in trước đó. Có phải đó là lỗi của ấn công khi sắp chữ, lên khuôn? Tuy nhiên, phải thừa nhận là phần phụ lục của cuốn này về ca dao tục ngữ thì rất phong phú dù phần giải nghĩa đôi khi không đáng tin cậy hoàn toàn.

    Người có thể tin cậy để cháu hỏi trước kia là Bố thì nay đã khuất bóng. Do đó, chiều nay cháu đã điện thoại hỏi Ông Ngoại của con gái mình là người Triều Châu về hai chữ này để xem cách dùng của người Trung Hoa có khác với mình hay không? Ông nói, Ông Nội (Bố cháu) dạy như vậy là đúng lắm rồi. Ông còn bảo rằng, trong Cholon đâu thiếu gì người Hoa? Tại mấy người soạn sách làm biếng, chứ nghi ngờ thì chạy vào hỏi, có mất mát gì mà còn còn được yên tâm là mình hiểu đúng hay sai nữa mà!…

    Thưa Tiến Sĩ,

    Cháu rất mong rằng Tiến Sĩ sẽ xem xét lại ý định nhờ moderator sửa lại chữ đã dùng rất đúng về chính tả, ý nghĩa, và vai trò văn phạm của nó. Nhận thức được sự nhầm lẫn của mình và sửa sai là một điều đáng quý của người tự trọng và chân thành. Tuy nhiên, nếu sửa để đi từ cái đúng cho đến trở thành cái hư hỏng thì đó là điều đáng tiếc vô cùng.

    Riêng đối với bản thân cháu, khi đang thưởng thức một tác phẩm văn chương Quốc ngữ hoặc những môn mà mình yêu thích, thì một lỗi chính tả không đáng có cũng là điều đáng buồn như nhai miếng cơm mới nấu bằng gạo trắng thơm mà cắn phải hạt sạn. Nhưng điều đó vẫn không đáng tiếc bằng việc tác giả dùng không đúng từ vựng để lột được ý mình trở thành mạch lạc. Thêm một bậc nữa, chỉ vì ý nghĩa mù mờ của một chữ lại làm cho câu văn đâm ra què quặt vì sai văn phạm trong toàn bài văn có giá trị rất cao. Thì, chẳng còn gì buồn hơn.

    Vài ý kiến đơn sơ thay cho lời cảm ơn với Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính,
    Chân Phương.

  4. 4

    Nguyễn Duy Chính

    Chào em,
    Theo những gì tôi tìm thấy thì ba chữ “vô hình trung” (無形中)(virtually, imperceptibly) là một nhóm chữ đi với nhau dùng như trạng từ không thể tách rời (compound word). Trái lại ba chữ “vô hình chung” (無形終) mà em dùng làm thí dụ thì thực ra ở hai nhóm khác nhau, vô hình và chung. Ba câu em dẫn có thể viết cho rõ hơn:
    大道无形, 终有义
    烟尘无形, 终被风所散
    都无形,终转嫁给买房子的热播
    Tuy ba chữ đó viết liền nhau nhưng thực ra ở hai mệnh đề mà chữ CHUNG dùng để chỉ ra một hậu quả [hai chữ vô hình trong các câu này có nghĩa invisible một cách cụ thể]. Do đó chung trong câu đầu theo tôi để nhấn mạnh [Although] The Great Way is invisible, [but, however] ultimately it is meaningful (trong câu này thì không thể dùng chữ TRUNG vì không hợp ngữ cảnh).
    Cho nên theo tôi, vô hình TRUNG hay vô hình CHUNG phải tùy thuộc vào câu văn, nếu dùng như một trạng từ thì VÔ+HÌNH+TRUNG (một nhóm chữ không thể tách rời, còn nếu dùng theo nghĩa “không nhìn thấy được nhưng rồi thì …” thì là VÔ HÌNH, CHUNG (hai mệnh đề). Vô hình trung là chữ Hán được nhập cảng vào tiếng Việt và dùng như một cụm nguyên thủy, còn vô hình chung như em nói thì người Việt có dùng vô hình nhưng không dùng chữ chung một cách riêng biệt (nhưng vẫn dùng nếu trong một câu toàn chữ Hán như thiện ác đáo đầu chung hữu báo chẳng hạn).
    Nếu phân tích rạch ròi như thế, trước đây tôi cũng như nhiều người khác vì vô tình đã vấp phải một số lỗi chính tả hay dùng sai chữ.
    Cám ơn em rất nhiều và hi vọng sẽ có những cao nhân khác góp ý để vấn đề thêm sáng tỏ.
    Nguyễn Duy Chính

  5. 5

    ChânPhương

    Kính chào Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính,

    Đầu tiên, cháu xin được mạn phép đọc lại mỗi câu Hán văn trong bài đầu tiên của mình. Sau đó, xin được dịch sang Quốc ngữ ý của từng câu có kèm theo phụ chú như sau:

    1/ Câu đầu tiên, cháu xin dịch là “Đạo lớn là nguyên nhân của sự hợp lý.” Chữ “nguyên nhân” đã được thay cho “vô hình chung”.

    Tuy nhiên, sau đó cháu lại tự trách mình vì đã quên rằng Sư Cô Trí Hải (Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh) đã từng dịch câu này thanh thoát hơn rất nhiều là, “Đạo lớn đem đến phép tắc.”

    大道无形终有义
    đại đạo vô hình chung hữu nghĩa (phiên âm Hán-Việt)
    Đạo lớn đem đến phép tắc. (Phùng Khánh)
    Đạo lớn là nguyên nhân của sự hợp lý. (Chân Phương)

    2/ Tiếp theo cháu xin phiên âm và dịch câu thứ hai như sau:

    烟尘无形终被风所散
    Yên trần vô hình chung bị phong sở tán
    Khói bụi rồi cũng theo gió tản tự tan. (Chân Phương)

    (“Vô hình chung đã được dịch là “rồi cũng”)

    Hai câu kể trên thuộc loại văn chương kinh điển của Trung Hoa đời nhà Tùy và đời Tống.

    3/ Câu thứ ba là một tiêu đề phóng sự từ báo Hoa ngữ tại Thượng Hải nói về tình trạng thiếu hụt gia cư nơi thành phố lớn. Cháu cũng xin phiên âm rồi dịch tiếp như sau:

    都无形终转嫁给买房子的热播
    Đô vô hình chung chuyển giá cấp mãi phòng tử đích nhiệt bá y.

    Nơi thành đô cuối cùng (phải) mang vạ do lên cơn sốt chí mạng bởi hoang mang vì thiếu hụt gia cư trên thị trường. (Chân Phương)

    (Trong câu này, “vô hình chung” đã được dịch là “cuối cùng”)

    Trong bài viết trả lời trước, cháu từng nhắc đến việc ngày xưa Bố đã so sánh với hai mệnh đề độc lập trong cách kiến tạo câu “điều kiện cách” khi dạy tiếng Anh cho cháu. Điều Bố dạy cháu năm nào chỉ là hình ảnh biểu tượng với mục đích so sánh, bởi chữ “vô hình chung” bằng Hán văn vốn là một ngôn ngữ rất tượng hình. Then chốt của chữ “vô hình chung” là hai mệnh đề trước và sau nó, phải có nghĩa của một mệnh đề điều kiện. Mệnh đề còn lại sẽ là hậu quả của mệnh đề đầu tiên.

    Vì thế, trong câu văn rất đẹp của Tiến Sĩ đã viết ra, ““Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình chung đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.” nay đem sửa lại thành chữ “TRUNG”, cháu e rằng sẽ làm cho câu văn không chỉ sai chính tả; mà nó sẽ trở thành sai nghĩa, sai cả văn phạm,… nếu không muốn nói là què quặt. 🙁

    Qua hai thí dụ 1/ và 2/ mà cháu đã phiên âm và dịch lại cùng với Ni Sư Trí Hải năm xưa cũng đã làm rõ được rằng “vô hình chung” chỉ là một từ vựng không thể tách riêng và dịch thành từng chữ rời rạc, nếu không muốn cho câu văn dịch trở thành ngây ngô, trặc trẹo, và vô nghĩa. Hai câu đó cũng cho độc giả nhìn thấy rất rõ hai mệnh đề độc lập của mỗi câu được chia ra bởi chữ “vô hình chung”, mà bản thân chữ này không thể bị xé ra mà không làm tổn thương đến ý nghĩa toàn câu văn.

    Riêng thí dụ thứ 3, là tiêu đề của một bài phóng sự. Do đó, tác giả của nó đã dùng văn phong và bút pháp phóng sự ngày nay. Đó là dùng thật ít chữ, nhưng cố gắng chuyên chở tối đa những ý cần thiết nhằm gợi sự chú ý của độc giả. Vì thế trong câu thứ ba này, số chữ mà tác giả đã dùng thì ít. Nhưng người dịch gặp khó khăn vì phải dùng một câu dài hơn để ghi lại nghĩa và ý một cách trọn vẹn. Cũng với câu thứ ba, chúng ta khó nhận ra ngay hai mệnh đề độc lập của nó. Bởi vì, trong mệnh đề thứ nhất của câu này, chúng ta chỉ tìm thấy có một chữ “đô – 都” như là một chủ từ trong câu.

    Tuy nhiên, vì Hán văn vừa là ngôn ngữ tượng hình mà lại là tiêu đề của bài phóng sự, nên tác giả của nó đã cố tình cắt ngắn [trunkcated] cho phù hợp với hình thức báo chí. Chúng ta chỉ nhìn thấy được điều này khi đọc nội dung của vế bên phải chữ “vô hình chung” trong câu. Rõ ràng, vế bên phải này là hậu quả không hay đang đổ ập lên đầu (đời sống của thị dân) đô thành.

    Viết những dòng này, cháu không khỏi nhớ lại lời dạy của Bố ngày xưa về tính chất tượng hình trong Hán văn (Bố cháu và nhiều bậc phụ huynh khác thường gọi là chữ Nho). Cháu còn nhớ được lời dặn dò của Bố là phải tìm hiểu, phân biệt được nghĩa đen và nghĩa bóng của mỗi từ vựng, biết cách dùng đúng vai trò văn phạm, ý nghĩa của nó thì mới thực sự là hiểu biết được chữ đó mà không bị ngộ nhận đáng tiếc. Trong rất nhiều thí dụ ngày còn bé, khi cháu hiểu một cách nhầm lẫn rằng nghĩa đen của “kiến văn” là kiến thức và văn chương… Cho đến khi đọc được mặt chữ của nó [見聞] thì mới hay rằng đó là “nhìn thấy” và “nghe được”. Vì vậy, nghĩa “hiểu biết” của chữ “kiến văn” [見聞] cũng chỉ là nghĩa bóng của nó mà thôi…

    Thưa Tiến Sĩ,

    Mạo muội trình bày với Tiến Sĩ về sự nông cạn và thô thiển của mình, cháu không dám thuyết phục rằng Tiến Sĩ đã dùng đúng hay sai trong câu văn của mình. Cháu chỉ thiết tha mong rằng, một câu văn viết ra đã đẹp và trọn vẹn, nếu không thể làm đẹp hơn nữa thì cũng không nên làm hỏng đi cái vẻ đẹp vốn có của nó!

    Lời chân tình của kẻ hậu sinh thô lậu,
    Chân Phương.

  6. 6

    Nguyễn Duy Chính

    Cám ơn em rất nhiều.

    Tôi cũng có tìm trong các từ điển Trung Hoa nhưng không thấy ba chữ “vô hình chung” được dùng như một từ tập hợp. Ba chữ “vô hình trung” thì quả là một từ kép trong văn chương.

    Hán Ngữ đại từ điển (Thượng Hải từ thư, 1986) viết như sau:

    無形中: 亦作“無形之中”。||不知不覺之間;不具備名義而有其實質之情況下。 瞿秋白 《論大眾文藝‧大眾文藝的問題》:“無形之中對於革命的階級意識的生長,發生極頑固的抵抗力。” 峻青 《秋色賦‧女英雄孫玉敏》:“她一氣教會了四十多個妹妹,能夠很熟練地埋雷,她無形中成了整訓中的婦女核心。”

    Tôi nghĩ rằng ni cô Trí Hải khi dịch câu 大道无形终有义 [đại đạo vô hình chung hữu nghĩa] (phiên âm Hán-Việt) là Đạo lớn đem đến phép tắc. (Phùng Khánh) ắt hẳn chú trọng đến ý nghĩa triết học của câu văn hơn là từ ngữ đích thực của từng chữ.

    Câu thứ hai tôi đồng ý với em là “vô hình chung” có nghĩa là “rồi cũng” vì nghĩa đen là “không thấy đó nhưng cuối cùng cũng”, nghĩa bóng ít nhiều liên quan đến nghĩa đen.

    Câu thứ ba tôi hiểu lầm vì tưởng là cùng một mạch văn với hai câu trên nên cho rằng đô 都 có nghĩa là “tất cả đều là” [大都 đại khái tất cả, “đô thị” 都是 đều thế].

    Trước đây khi chúng ta dùng vô hình chung có lẽ viết theo vô thức, còn nếu coi như đã Việt hoá rồi thì không còn nghĩa nguyên thuỷ của từ Hán Việt nữa.
    Cũng nên thêm có khi chúng ta vì phát âm sai [người Bắc VN không phân biệt chung và trung] lâu dần đi đến chỗ cả hai đều được chấp nhận nên khi viết thành văn cũng không mấy người thắc mắc.

    Riêng với tôi, con người luôn luôn có những bất cập nên nếu thấy sai thì sửa. Kẻ thù lớn nhất lại chính là kinh nghiệm vì đó là “sở tri chướng” ngăn chặn những gì khác với cái có sẵn của mình.

    Em có thể đưa đề tài này vào forum của Viện Việt Học http://www.viethoc.com và chắc sẽ có những thảo luận rất lý thú.

  7. 7

    ChânPhương

    Kính chào Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính,

    Cháu rất vui vì đến nay Tiến Sĩ tuy chưa tìm thấy trong từ điển Hán văn về bằng chứng của “vô hình chung” như một tập hợp từ, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được với ba câu thí dụ của cháu trích dẫn đã nói lên sự có mặt của nó trong suốt ba thiên niên kỷ từ thời nhà Tùy (thiên kỷ thứ I), sang đến nhà Tống (thiên kỷ thứ II) và trên nhật báo và đời sống hằng ngày của người Trung hoa ngày nay (thiên kỷ thứ III).

    Cháu cũng vui vì Tiến Sĩ đã ít nhất đồng ý với ý nghĩa Việt ngữ của “vô hình chung” là nói đến sự kết thúc, và do đó cháu đã dịch nó trong câu thứ hai là “rồi cũng” một cách chính xác. Tương tự, câu thứ ba khi cháu dịch và thay thế “vô hình chung” là cuối cùng; Tiến Sĩ cũng không hề phản đối vì hoàn toàn không khác với “rồi cũng” là bao nhiêu.

    Giờ cháu xin phép được trở lại với đinh nghĩa và thí dụ của Đại Từ Điển Tiếng Việt [Nguyễn Như Ý chủ biên] (Hà Nội:VH-TT, 1999) tr. 1826, mà Tiến Sĩ đem về:

    “vô hình trung: Không cố ý, không chủ tâm, tự nhiên mà có với thí dụ: Như thế vô hình trung anh lại không ủng hộ nó.”

    Theo giải thích này của Đại Từ Điển Tiếng Việt, thử thay thế các chữ tương đương mà từ điển đang dùng, chúng ta sẽ có các câu sau đây:

    1/ Như thế không cố ý anh lại không ủng hộ nó.
    2/ Như thế không chủ tâm anh lại không ủng hộ nó.
    3/ Như thế tự nhiên anh lại không ủng hộ nó.

    Rõ ràng, cả ba câu này đều là những câu vô nghĩa, ngớ ngẩn đến thảm hại… so với ý định ban đầu của tác giả. Nói khác đi, Nguyễn Như Ý và nhóm biên tập của ông đã không làm tròn công việc giải thích việc dùng chữ “vô hình trung” theo nghĩa của mình.

    Tiếp theo chúng ta hãy tìm lại nghĩa nguyên thủy của “vô hình trung” bằng Hán văn với nghĩa của nó là một trạng từ như là “dường như”, “có lẽ”. Thí dụ của Đại Từ Điển Tiếng Việt sẽ được hiểu như sau:

    4/ Như thế dường như anh lại không ủng hộ nó.
    5/ Như thế có lẽ anh lại không ủng hộ nó.

    Cháu đang nghi ngờ rằng, hai câu số 4 và 5 có phải là ý tác giả muốn diễn đạt hay không?

    Chúng ta lại tiếp tục dùng câu nói đó, thay bằng “vô hình chung” với ý nghĩa nguyên thủy của nó là “cuối cùng”, “rốt cuộc” hoặc tương tự…

    6/ Như thế vô hình chung anh lại không ủng hộ nó.
    7/ Như thế cuối cùng anh lại không ủng hộ nó.

    Cháu tin rằng hai câu 6 và 7 này mới thể hiện được ý nghĩa muốn diễn đạt của Nguyễn Như Ý và nhóm biên tập của ông ấy.

    Một lần nữa, xin được trở lại với câu văn của Tiến Sĩ đã viết:

    8/ “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình chung đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”

    Thay chữ “vô hình chung” với nghĩa “cuối cùng” chúng ta sẽ được:

    9/ “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn cuối cùng đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”

    Nếu nghĩ rằng hai câu trên chưa được hài lòng Tiến Sĩ, chúng ta hãy thay đổi với “vô hình trung” theo đề nghị của ông Nguyễn Như Ý, để được như sau:

    10/ “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình trung đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”

    Từ đó, đưa lời giải nghĩa của Nguyễn Như Ý vào câu trên, chúng ta có được:

    11/ “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn không chủ tâm [không cố ý] đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”

    Trong hai cặp câu 8, 9 và 10, 11 vừa kể; thử hỏi câu số 9 hay câu số 11 diễn tả trọn vẹn được ý của Tiến Sĩ? Phải chăng nội dung của mỗi mệnh đề
    trong câu được gắn bó phù hợp với mệnh đề còn lại bởi chữ “cuối cùng” trong câu số 9?

    Áp dụng lời giải thích của Nguyễn Như Ý vào câu số 11 bằng các nhóm chữ “không chủ tâm [không cố ý]”, rõ ràng chúng ta gặp phải vấn đề mâu thuẫn của nội dung hai mệnh đề độc lập trong câu đó. Để tránh cho câu này không bị trở thành mâu thuẫn trong nội dung của hai mệnh đề, chắc chắn chúng ta phải thêm vào chữ “nhưng” ngay trước “không cố ý” để thành “nhưng không cố ý”. Tuy biện pháp này không hoàn hảo để có thể cứu vãn một câu què quặt trong Việt ngữ về ý nghĩa, nhưng nó cũng vớt vát được phần nào sự việc khiến cho độc giả phải ngỡ ngàng vì nghĩ rằng mình đang đọc tiếng nước ngoài. Câu số 11 sẽ phải sửa như sau để đúng văn phạm Quốc văn:

    12/ “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn NHƯNG không chủ tâm [không cố ý] đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”

    Dù còn lủng củng trong câu số 12 này, nhưng nó đã chữa được sự mâu thuẫn giữa hai mệnh đề trong câu 11. Tuy nhiên, nó lại hoàn toàn mâu thuẫn với giải thích của ông Nguyễn Như Ý và nhóm biên soạn Đại Tự Điển của ông. Ngoài ra, có lẽ thất vọng nhất vẫn là tác giả của câu văn này, Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính. Tiến Sĩ chắc có lẽ thất vọng vô cùng vì đã không còn nhìn ra được hình hài của ý mà mình muốn diễn tả ban đầu. Chưa kể đến tình trạng vá víu, thương tật ngày nay của câu văn ấy. 🙁

    Quốc Ngữ được xây dựng bởi nhóm giáo sĩ truyền đạo người Bồ Đào Nha và được Alexandre De Rhode kế tục và phát triển. Tuy công trình bắt đầu từ Hội An, miền Trung của nước ta; nhưng những nhà truyền giáo đã nhận ra ưu điểm và lấy giọng Hanoi làm chuẩn. Các đài truyền hình và phát thanh tại Saigon từ 1957-1975 cũng dùng xướng ngôn viên giọng Hanoi hoặc Saigon mà không dùng giọng các địa phương bên ngoài hai nơi này. Trong tân nhạc, không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các ca sĩ đã dùng giọng Bắc để trình diễn các nhạc phẩm của mình ngoại trừ một vài giọng ca như Ngọc Cẩm, Thanh Thúy… Đầu thế kỷ trước, miền Nam chúng ta đã từng có “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị”; nhưng giờ chỉ còn giá trị lịch sử mà thôi!

    Tuy người Bắc nói chung có bị lỗi phát âm n/l, ch/tr, s/x; nhưng người Hanoi trước năm 1954 và sau này di cư vào Nam may mắn không hề bị các lỗi đó. Nhờ vậy, trong các từ điển chính tả ít bị các lỗi ch/tr này. Ngoài ra, cháu cũng nhận xét rằng tiến trình Việt Hóa các tiếng Hán Việt, chắc chắn đã bắt đầu xảy ra từ ngàn năm qua. Như thế, tiến trình này phải xảy ra từ miền Bắc theo chiều dài lịch sử của dân tộc, chứ không ở tại miền Nam là đất mới sau này. Thế nhưng, trong khi Việt Hóa các tiếng Hán Việt, Ông Cha chúng ta là người Bắc đã không hề lẫn lộn trong ký âm tương đương ch và tr trong các cách viết chữ Nôm, (có lẽ từ trước thời Hàn Thuyên, đời nhà Trần).

    Thật ra, cháu cũng tìm được lắm điều tự cho là lý thú về những chữ như “vô hình chung”, “vô hình trung” này… E rằng chia sẻ thêm ý kiến mông muội của mình nơi này sẽ thêm phiền cho tác giả, Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính. Chỉ ra những cái sai, cái ngớ ngẩn của ban soạn thảo và biên tập của cả một quốc gia, không thấy lợi gì vào thân. Cháu đang tự hỏi, vì việc này sẽ có thêm bao người ghét? Mà, “túi khôn của loài người” vẫn dạy rằng nên để cho người ta thương hơn là làm cho người khác ghét mình…

    Kính chúc Tiến Sĩ và toàn thể các tác giả Trưởng Bối của Việt Thức cuối tuần an nhiên,
    Chân Phương.

  8. 8

    Nguyễn Duy Chính

    Cám ơn em.

    Thôi thì cứ để như thế để xem có cao nhân nào góp ý gì mới lạ hơn chăng?

    Thân chúc em một cuối tuần vui vẻ.

    Nguyễn Duy Chính

  9. 9

    QuangHue

    Rất cảm ơn Chú đã bỏ nhiều tâm tư, tình cảm vào các bài chuyên khảo của mình. Có một số Biên khảo của Chú cháu tìm hoài trên mạng mà không thấy; như “Phái đoàn Đại Việt và lễ bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông” ; “Sơ kiến hồn như cựu thức thân”‘ “Khí Núi Đất Biển là Một”; “Bài thơ liên hoàn của vua Cao
    tông & các đại thần trong ngày nguyên đán năm Kỷ Dậu”

    Cháu rất biết ơn nếu Chú có thể gửi những bài biên khảo quý trên vào địa chỉ quanghue51@yahoo.com

    Hy vọng sớm nhận được hồi âm từ chú

    Kính chúc Chú sức khỏe!
    QuangHue

  10. 10

    Trường

    Cháu chào chú Nguyễn Duy Chính, đọc các biên khảo của chú về phong trào Tây Sơn thật sự rất thú vị.
    Chú có thể gửi qua địa chỉ mail tnketnoiyeuthuong@gmail.com
    Những biên khảo mới như việt – thanh chiến dịch, bang giao việt – thanh thời quang trung và cảnh thịnh được không chú.
    Cháu xin cảm ơn chú nhiều lắm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC

KHƯỚC TỪ TRÁCH NHIỆM [DISCLAIMER]

Những tài liệu đăng trên DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC nhằm thực thi tự do ngôn luận cá nhân, đa diện, nên không phản ánh quan điểm hay lập trường của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC [Viet Thuc Foundation].  Mọi ý kiến và tài liệu đăng tại DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC chỉ có tính cách thông tin, tham luận nhằm giúp độc giả gần gũi với thời cuộc liên quan tới văn hoá, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v. hiện hành tại Hoa Kỳ và trên thế giới.

Quý độc giả cần tìm hiểu kỹ lưỡng về sự chính xác, mức độ cần và đủ của tài liệu trước khi ứng dụng. Do đó DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC khước từ trách nhiệm về nội dung và cách sử dụng những ý kiến, tài liệu và thông tin nhận được đăng trên bổn báo.  Tuy nhiên, việc tham khảo thông tin và những ý kiến cần thiết, trình bày theo tinh thần cởi mở, tương kính, hoà nhã, sẽ giúp quý độc giả thêm phương tiện so sánh kiến thức một cách xây dựng, quy mô, đa dạng. Đó là điều mong ước của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC.

© 2015 VIỆT THỨC . All rights reserved.